Bùng nổ thị trường bán lẻ Việt Nam
Việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến thị trường buôn bán bùng nổ với sự tham gia ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu (theo xếp hạng của Hãng Nghiên cứu Thị trường A.T.Kearney), Việt Nam đang hút một lượng lớn vốn ngoại đầu tư vào bán lẻ. Tuần trước, nhà bán lẻ của Nhật Bản Muji đã công bố thành lập Công ty TNHH Muji Việt Nam.
Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam thì các thương hiệu đang hiện diện càng tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống. Đã có hàng tỷ USD vốn ngoại rót vào thị trường, hình thành cuộc đua mở chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Nhiều sự kiện diễn ra vào cuối năm 2018, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản là Tập đoàn Sumitomo đã đưa thương hiệu FujiMart vào Việt Nam. Bằng sự hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, Sumitomo đã có siêu thị FujiMart đầu tiên tại Hà Nội. Cơ sở cho sự ra đời của FujiMart là nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, GDP tăng cao.
Giữa tháng 12/2018, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) – đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam – đã khai trương trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này từng cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, khoảng 15 năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ nhưng giờ đây đã thành hiện thực. Ngành bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP từ 1,5 – 2 lần.
Cụ thể trên tintucmoinhat.org cho biết, GDP tăng trưởng ở mức trên 6% trong 10 năm qua và là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.
Với bán lẻ hiện đại, kinh doanh theo chuỗi là mơ ước của các nhà bán lẻ và mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ đều xây dựng hệ thống phân phối phủ rộng đến các tỉnh – thành.